Huyện Hoài Ân có những làng nghề truyền thống (LNTT) đã một thời vang bóng. Qua những thăng trầm, chuyển biến của thị trường, một số nghề truyền thống ở Hoài Ân đã không còn tồn tại; một số nghề vẫn còn tiếp tục sản xuất nhưng việc tiêu thụ sản phẩm gặp nhiều khó khăn…

Nổi bật trong số những LNTT ở Hoài Ân là nghề đúc đồng ở thôn Thanh Lương, nghề làm nón ở thôn Vĩnh Đức (xã Ân Tín); nghề đan mây tre ở 2 thôn Đức Long, Gia Trị (xã Ân Đức) và thôn Thanh Tú (thị trấn Tăng Bạt Hổ); nghề làm võng thơm tàu ở thôn Thạch Khê (xã Ân Tường Đông); nghề trồng dâu nuôi tằm ở các địa phương ven sông An Lão, Kim Sơn. Trong đó, có một số làng nghề dần mai một…
Theo cụ Nguyễn Thị Chịu, 86 tuổi, ở thôn Đức Long, nghề đan nong xuất hiện từ rất lâu ở địa phương này; sản phẩm làm ra cung cấp cho cả tỉnh và còn bán ra ngoài tỉnh. Làm nghề này tuy không giàu có nhưng thu nhập cũng ổn định, bà con có việc làm thường xuyên. Nay thì cái nong ít được sử dụng nên làng nghề cũng lụi tàn. Ông Nguyễn Đình Liên, 73 tuổi, ở thôn Vĩnh Đức, cho biết: Sản phẩm nón lá ở Vĩnh Đức một thời nổi tiếng với tên gọi nón Đồng Dài, chẳng kém nón Huế, nón Gò Găng. Tuy là nghề phụ nhưng nghề chằm nón mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho nhiều gia đình ở đây. Bây giờ chỉ còn một số ít hộ giữ nghề; gia đình tôi vẫn làm nón vì thương cái nghề của cha ông, và vì không có việc gì làm tốt hơn để kiếm thêm thu nhập trong lúc nông nhàn.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết các nghề thủ công truyền thống ở Hoài Ân lụi tàn dần không phải vì thiếu nhân lực lành nghề hoặc thiếu nguyên liệu sản xuất. Nguyên nhân một phần là do các sản phẩm sản xuất công nghiệp lấn át, các sản phẩm thủ công không còn chỗ đứng trên thị trường; và nguyên nhân chính là thiếu việc tổ chức và tìm ra một hướng đi phù hợp, nên việc tiêu thụ sản phẩm không ổn định. Chị Đinh Thị Sơn, ở làng T2 xã Bok Tới, tâm sự: Chị em Bana ở đây có nghề truyền thống dệt thổ cẩm. Tuy nhiên, do hàng may mặc ở dưới xuôi mang lên rất phong phú và tiện dụng, nên đa số con em trong làng không còn ham thích học nghề dệt thổ cẩm.
Các nghề: đúc đồng, đan võng thơm tàu, sản xuất dầu dừa, dầu rái… ở Hoài Ân đã chết hẳn. Một số nghề tuy còn tồn tại nhưng số hộ tham gia đã giảm mạnh; thu nhập chỉ là lấy công làm lời nhưng cũng chẳng bao nhiêu. Ông Phạm Minh Trung, ở thôn Đức Long, cho biết: Trước đây ở Đức Long có đến 90% số hộ làm nghề đan nong; nguồn nguyên liệu sẵn có tại chỗ nên rất thuận lợi. Nay thì chỉ còn khoảng 30% số hộ giữ nghề đan tre nhưng cũng chuyển sang làm các mặt hàng khác theo yêu cầu của thị trường, như giỏ nhốt gà, rọ heo…
Hiện nay ở Hoài Ân chỉ có nghề trồng dâu nuôi tằm tương đối phát triển với khoảng 2.000 hộ sinh sống ven các con sông An Lão, Kim Sơn tham gia; nghề đan tre có khoảng 200 hộ; nghề chằm nón có trên 260 hộ tham gia sản xuất. Tuy thu nhập từ các nghề truyền thống này không cao, khoảng 20 -25 ngàn đồng/ngày, nhưng cũng thu hút được nhiều lao động nông nhàn. Điều đáng nói là các nghề truyền thống ở Hoài Ân tồn tại theo cách tự phát, mang tính gia đình, sản xuất nhỏ lẻ, không ổn định, thị trường đầu ra rất bấp bênh.
Trong những năm qua huyện Hoài Ân đã có nhiều biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ người dân gìn giữ nghề truyền thống, tham gia sản xuất và phát triển làng nghề, như hỗ trợ vay vốn sản xuất, ký hợp đồng với một vài nơi để bao tiêu sản phẩm… Song điều này mới chỉ giúp dân giữ nghề chứ chưa thể phát triển nghề.
Để các nghề truyền thống ở Hoài Ân tồn tại và phát triển, giúp người làm nghề có thu nhập ổn định, giải quyết việc làm nông nhàn nhằm thực hiện tốt chủ trương chuyển đổi mùa vụ trong sản xuất nông nghiệp… cần lắm một tổ chức, cơ quan “đứng mũi chịu sào” để tổ chức sắp xếp lại sản xuất, tìm kiếm thị trường đầu ra…